Thừa thiên Huế - Cái nôi của karatedo Việt Nam

đăng 00:54 13 thg 10, 2009 bởi Người dùng không xác định   [ đã cập nhật 23:40 10 thg 7, 2011 ]
 Thừa thiên Huế - Cái nôi của karatedo Việt Nam

Thầy Choji Suzuki

Người được xem là "ông tổ" của Karatedo Việt Nam là vị võ sư người Nhật Choji Suzuki thuộc hệ phái Uchi Ryu khi đưa môn võ truyền thống xứ Phù Tang du nhập vào Việt Nam từ 64 năm trước. Ông gắn bó và chọn Huế làm điểm khởi đầu cho chiến dịch truyền bá võ học của mình xuất phát từ niềm cảm mến con người và cảnh vật nơi đây luôn trầm tĩnh và nhẹ nhàng, hợp với võ đạo. Đặt những viên gạch đầu tiên xây nên cái nôi Karatedo cho Việt Nam Choiji Suzuki (sinh năm 1918, mất năm 1995) trở thành niềm tự hào của người dân cố đô suốt từ thế kỷ trước nay. Từ đây nhiều lớp huấn luyện viên và vận động viên tài năng đã ra đời và góp phần phát triển môn võ mới trên khắp đất nước và dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Ngược dòng lịch sử...

Lớp võ sĩ karatedo của Thừa Thiên Huế thời ấy

Trước khi lập môn tại Huế, những năm 40, Choji Suzuki (ngoại hiệu là Suzucho- Linh trường không thủ đạo) đi ngược ra phía Bắc và truyền dạy kỹ năng cận chiến trước kẻ thù cho các chiến sĩ đặc công, trinh sát của quân đội nhân dân Việt Nam tại vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn. Khi ấy, ông thầy Nhật được gọi với cái tên Việt Nam thân mật là Phan Văn Phúc.Ông vào sinh sống ở vùng Tam Quan (Bồng Sơn, Quảng Nam) và lập gia đình với người vợ Việt Nam là bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ. Chuyển cả gia đình vào mưu sinh tại thành phố Huế từ đầu những năm 60, ông trú tại số 8 Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), nơi về sau trở thành võ đường karatedo đầu tiên tại Việt Nam.

Thăng trầm những bước đầu phát triển

Ban chấp hành hệ phái đời thứ 8
Ảnh chụp năm 1973

Thời loạn lạc, ít ai có cơ hội được học võ một cách có bài bản ở một trường lớp nào đó. Sự hà khắc của chế độ Ngô Đình Diệm đã ngăn cấm mở các lớp dạy võ. Nếu có thì chỉ có thể dạy và học chui, lén lút.Ngày 1/11/1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Nha thanh niên khi ấy mới cấp giấy phép cho Choji Suzuki chính thức mở võ đường Suzucho chiêu sinh tại số 8 Võ Tánh (Thành phố Huế) với hai lớp karatedo và judo. Từ đó, những lứa học trò karatedo đầu tiên của Việt Nam xuất hiện: Ngô Đồng, Khương Công Thêm, Trần Đình Tùng, Hà Quốc Huy... Nhưng lứa học trò tâm đắc nhất của ông thầy Nhật chính là 7 võ sĩ thuộc khóa đào tạo đặc biệt Bodankumi (Lê Văn Thạnh, Phạm Lạc, Võ Lệ Vàng, Nguyễn Khoa Tín, Chế Văn Nhật, Nguyễn Văn Thanh, Lê Bá Hóa). Khóa Bodankumi thời ấy được xem là khóa đào tạo huấn luấn viên của môn karatedo nên được thầy Suzuki chăm chút kỹ lưỡng và truyền đạt hầu hết những tinh hoa của hệ phái Uchi Ryu. Thời ấy, học phí cho một tháng học khoảng 500 đồng Đông Dương (tương đương như một bao gạo loại 100kg), khá cao nên ít người đủ khả năng chi phí theo đuổi. Phạm vi phát triển của karatedo chỉ trong thành phố Huế với lượng võ sinh ít ỏi. Cũng có khi học trò vừa phải làm việc kiếm tiền để theo học nhưng về sau không nổi nên đành bỏ dở giữa chừng. Ông Suzuki cũng mở thêm một lớp karatedo cho giới sinh viên Huế theo học với mục đích rèn luyện sức khỏe là chính.

Đại gia đình karatedo của võ sư Lê Văn Thạnh

Năm 1973, do có các môn sinh karatedo ở Đà Nẵng, ông thầy Suzuki giao chức Trưởng tràng trông coi võ đường Suzucho ở Huế lại cho người học trò ưu tú nhất là Lê Văn Thạnh để chăm chút cho những lứa học trò ưu tiếp sau. Nhận nhiệm vụ từ thầy, nhưng người học trò Tam đẳng Lê Văn Thạnh không tỏ ra bối rối mà tiếp quản và xây dựng võ đường trở nên mạnh hơn nhờ những năm tháng quen sống với nếp sinh hoạt và dạy dỗ của ông thầy Nhật. Ông Lê Văn Thạnh kể lại: "Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), các sân tập võ phải tạm ngưng một quãng thời gian vì Nhà nước ta phải xem xét và đánh giá lại đường lối phát triển của võ thuật. Cho tới năm 1980, sự việc mới bình thường trở lại, nhưng không được tự do mở lớp như trước mà buộc phải tuân theo sự quản lý chặt chẽ của chính quyền. Để duy trì các lớp đào tạo võ thuật, Thành đoàn thành phố Huế tổ chức những đội biểu diễn võ thuật cho những ngày lễ lớn hàng năm và buộc các môn phái phải đăng ký số lượng tham gia cụ thể để dễ bề quản lý...". Không chỉ một mình ông gắn bó với karatedo, người vợ hiền và 4 người con (1 gái) đều đã theo ông suốt con đường gây dựng phong trào tập luyện võ thuật ở Huế từ bấy tới nay. Hiện tại, ba người con trai của ông cũng trở thành huấn luyện viên chủ chốt của karate của tỉnh (Lê Văn Phước, Lê Văn Lộc và Lê Văn Thọ). Sau giải phóng, võ đường Suzucho đóng cửa nên mảnh sân nhỏ của nhà võ sư Lê Văn Thạnh (số 116, Chi Lăng) trở thành võ đường karatedo tới khi được Sở Thể dục thể thao tỉnh đầu tư cho cơ ngơi mới tại số 57 Nguyễn Huệ (từ năm 1995).

 

Comments